PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ ĐỒNG BỘ BA TUẦN TRONG CHĂN NUÔI HEO

logo

Hotline: 0866 220 611 0398833599(zalo)

PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ ĐỒNG BỘ BA TUẦN TRONG CHĂN NUÔI HEO
22/02/2024 12:10 AM 8 Lượt xem

    Những kinh nghiệm nghiên cứu và chăn nuôi cho thấy, hệ thống quản lý cùng vào/cùng ra (all in/all out) góp phần cải thiện đáng kể năng suất trong chăn nuôi heo. Một trong những thách thức lớn của cách quản lý này là đàn heo phải có chung một nguồn gốc duy nhất và số lượng nhóm lứa tuổi phải đủ lớn. Phương pháp tiếp cận nhằm thay đổi từ cách quản lý nái đẻ theo nhóm và sử dụng nhóm heo kế cận để tạo thành các đàn lớn hơn. Nếu đàn heo đã được sắp xếp theo hệ thống nuôi liên tục, chúng ta có thể lựa chọn chuyển từ nhóm đàn nái đẻ đồng bộ mỗi một tuần sang mỗi ba tuần (three week batch farrowing system). Điều này cho phép quản lý heo với phương pháp cùng vào/cùng ra, theo từng độ tuổi và mức miễn dịch. Hệ thống quản lý đàn nái đẻ đồng bộ mỗi ba tuần không chỉ có ưu điểm trong việc sử dụng lao động mà cả trong lưu chuyển đàn heo. 

    NHỮNG THUẬN LỢI
     
    Lợi ích chính của việc quản lý đàn nái đẻ theo nhóm và hệ thống quản lý cùng vào/cùng ra bao gồm, cải thiện sức khỏe dẫn đến heo phát triển nhanh hơn, cải thiện hiệu quả sử dụng thức ăn (feed efficiency), làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí thuốc. 
    Ngoài ra, phương cách này còn giúp ngăn ngừa bùng phát và ngăn chặn sự lây lan của những dịch bệnh đang lưu hành từ nhóm này sang nhóm khác. Điều này không chỉ cung cấp một "chính sách bảo vệ" hiệu quả đối với dịch bệnh, mà còn giúp cho việc điều trị những heo bệnh thuận tiện hơn và chính xác hơn. Từ đó, những con heo đã qua điều trị được kiểm soát nguồn gốc chặt chẽ hơn, tăng mức độ an toàn thực phẩm, trong khi chi phí điều trị được giữ ở mức tối thiểu. 
    Một số đàn heo được chuyển đổi từ nuôi liên tục sang cùng vào/cùng ra, với việc vệ sinh – khử trùng chuồng trại trước khi nhập đàn mới, đã cải thiện mức tăng trọng từ 100 – 150 g/con/ngày. Neville Kingston đã báo cáo về thành công của phương pháp quản lý nái đẻ đồng bộ mỗi 3 tuần ở 2 đàn heo. Sử dụng cơ sở vật chất như nhau, việc thay đổi từ đồng bộ 1 tuần sang 3 tuần đã tiết kiệm 8,5 pound (khoảng 3,85 kg) thức ăn/1 kg heo xẻ hoặc khoảng 6 bảng Anh (khoảng 187.000 đồng)/1 con. 
     

     
    Quản lý nái đẻ đồng bộ 2 tuần hay 3 tuần ?
    Việc duy trì sự lưu chuyển đàn heo một cách suôn sẻ đòi hỏi việc quản lý đàn giống theo những tiêu chuẩn rất cao. Hệ thống quản lý đồng bộ 3 tuần là phương thức phù hợp nhất với chương trình phối giống vì mỗi heo lên giống lại (hầu hết 80%) đều tuân theo chu trình 3 tuần và được đưa vào nhóm heo tiếp theo. Những lựa chọn khác bao gồm nhóm sinh sản 2 tuần hoặc 4 tuần. Quản lý sinh sản theo nhóm đồng bộ cần thêm nhiều chuồng, nhưng người nuôi sẽ có nhiều thời gian hơn để vệ sinh, sát trùng, cũng như thời gian để trống chuồng trước khi nhập đàn mới. Từ một nghiên cứu ở Pháp, gia tăng khoảng thời gian trống của chuồng là một yếu tố làm giảm nguy cơ của hội chứng còi cọc sau cai sữa (PMWS) trên heo con. Ngoài ra, còn có thể cai sữa heo muộn hơn. 
     

     
    Vậy chúng ta cần bao nhiêu con nái ?  
     
    Mục tiêu của việc quản lý heo nái giai đoạn không mang thai là để cung cấp một nhóm heo nái có thể mang thai và đẻ trong những khoảng thời gian nhất định, cũng như cung cấp một số lượng heo đủ đầy chuồng cai sữa. Bước đầu tiên là chọn số lượng heo nái cho mỗi nhóm đẻ và tần suất đẻ. Số lượng nái đẻ theo nhóm được quyết định bởi số lượng trung bình heo cai sữa/ổ và số heo cai sữa cần thiết để làm đầy chuồng cai sữa. Việc tăng số chuồng đẻ sẽ có hiệu quả hơn so với việc không sử dụng hết chuồng cai sữa.
     

     
    Mỗi nhóm heo cần có đủ số lượng nái đẻ và nái hậu bị lấp đầy chuồng nái đẻ, với một số lượng dự trữ thích hợp để bù đắp cho những con lên giống lại, hoặc những nái bị loại ngoài dự kiến. Nhân số nhóm và số lượng chuồng, cộng thêm 10% dự trữ cho nái có thể bị loại (sảy thai, chấn thương, v..v) và chúng ta sẽ có được số lượng nái giống cần thiết. 
     
    Tuy nhiên, trước khi quyết định về quy mô của đàn giống, người nuôi cần xác định những điểm hạn chế liên quan đến việc lưu chuyển nái trong trại. Ví dụ, ta không nên sử dụng tất cả chuồng đẻ nếu như chúng ta không có đủ chuồng cho heo con sau cai sữa hay heo vỗ béo cùng một lúc. 
     
    Khi muốn chuyển sang quản lý đồng loạt, người nuôi cần vẽ ra một sơ đồ của dòng heo lưu chuyển như dưới đây để tìm ra những hạn chế trong cơ sở chuồng trại hiện có của mình. Điều này cực kỳ quan trọng khi chuyển sang hình thức quản lý cùng vào/cùng ra.
     

     
    Trong ví dụ này, 2 trại heo choai (30 – 50 kg) được nhốt đầy chuồng mỗi 4 tuần để đảm bảo 2 đàn heo choai có đủ 8 tuần để phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi việc di chuyển nhập/xuất heo tại chuồng. Nếu như không có sẵn chuồng riêng, chúng ta có thể sử dụng những vật liệu rẻ tiền để ngăn chuồng. 
     
    Thậm chí, nếu như heo cai sữa và heo choai không thể di chuyển vào chuồng trống, khoảng thời gian trống chuồng giữa 2 lứa (4 tuần) có thể làm giảm đáng kể số lượng mầm bệnh có thể lây truyền từ nhóm heo lớn tuổi sang nhóm heo nhỏ hơn, giảm ảnh hưởng của dịch bệnh.  
     
    Dưới đây là một ví dụ về cách thức quản lý nái đẻ đồng bộ 3 tuần, khi heo nái mang thai được đưa vào chuồng đẻ trước 7 ngày, heo con được cai sữa lúc 28 ngày tuổi, thời gian cai sữa đến phối trung bình là 5 ngày và giai đoạn mang thai trung bình là 114 ngày. 
     

     
    Làm thế nào để nái lên giống đồng loạt ?
    Đầu tiên, mỗi nhóm nái phải được quản lý cẩn thận để đảm bảo việc đẻ con đồng loạt. Một số cách sẽ giúp bạn đạt được điều này và bạn cần tìm hiểu cách quản lý và tư vấn của bác sĩ thú y khi lên kế hoạch thay đổi hệ thống của bạn.
    1. Bác sĩ thú y của bạn có thể tư vấn các phương pháp khác nhau để lên giống đồng loạt ở nái và nái hậu bị.
    2. Cai sữa nái dần cùng lúc, toàn bộ các lứa tuổi.
    Ví dụ, nếu bạn thường cho heo cai sữa sau bốn tuần, lần cai sữa đầu tiên sẽ dành cho tất cả các ổ heo từ ba đến năm tuần tuổi. Nếu cai sữa lúc 2 tuần và sau đó cai sữa lúc 1 tháng tuổi, sẽ có 2 nhóm heo nái có chu kỳ lên giống cách nhau 2 tuần và khi mang thai, chúng sẽ đẻ cách nhau hai tuần. Nếu bạn muốn chuyển sang chế độ bốn tuần, heo có thể cai sữa cùng lúc, khi nhóm lứa trước đó là 5 tuần tuổi và nhóm sau đó là 3 tuần tuổi.
    Một bất lợi của việc cai sữa heo từ 3 đến 5 tuần tuổi là sẽ gây ra sự không đồng đều về trọng lượng trong suốt giai đoạn phát triển. Nhiều trang trại không có đủ chuồng đẻ để trì hoãn việc cai sữa. Như vậy, một chuồng đẻ tạm thời có thể được sử dụng. Heo nái nuôi con 2 hoặc 3 tuần tuổi có thể được di chuyển cùng với lứa con của chúng đến chuồng tạm thời và có thể tiếp tục nuôi con cho đến một thời điểm thích hợp để cai sữa. Bạn sẽ vẫn cần phải thực hiện lên giống đồng loạt nái hậu bị mới. 
    3. Sử dụng cẩn thận prostaglandin để gây đẻ 2 – 3 ngày sớm sẽ giúp rút ngắn khoảng cách thời gian của đợt đẻ, cũng như giúp tránh việc đẻ vào cuối tuần.
    4. Việc thay đổi hệ thống sang quản lý đồng bộ cũng có thể là cơ hội để giảm đàn và thay thế dần con giống. Lý tưởng nhất là những heo thay thế này nên được phối và nhốt ở khu vực riêng cho đến khi nhóm heo nái cuối cùng được cai sữa và di chuyển đi.
     
    Quản lý SINH SẢN đúng ngày LÀ ĐIỀU THIẾT YẾU 
     
    Điều quan trọng trong hệ thống quản lý nái đẻ theo nhóm đó chính là việc sinh đẻ của nái phải hoàn thành trong ít ngày. Những nái không thể sinh đúng ngày cần được tiêm prostagladin để heo con của chúng có thể đạt trọng lượng cai sữa cần thiết cùng cai sữa với những heo lớn tuổi hơn. 
     
    Heo nái chậm lên giống trở lại có thể gây gián đoạn chương trình sinh sản đồng loạt. Chuyện này dễ xảy ra ở những nái hậu bị lần đầu tiên được phối hoặc ở những nái có sức khỏe không tốt hoặc giữa những tháng hè. Ta cần cai sữa những con nái này sớm hơn những nái khác. 
     
    Áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo cùng với sinh sản đồng loạt sẽ giúp cắt giảm lượng con đực trong đàn. Việc lên giống cần được phát hiện chính xác vì nếu phát hiện sai sẽ gây ảnh hưởng đến việc cho việc quản lý đồng bộ. 
     
    Việc khám thụ thai sớm ở nái cũng như việc loại bỏ những con không đậu thai rất quan trọng để kiểm soát những ngày không năng suất. Ta có thể dùng máy siêu âm để thăm khám thai sớm từ 18 – 20 ngày sau giao phối.  
     
    Duy trì quy mô đàn heo
    Quản lý theo nhóm nái tập trung vào việc phải luôn luôn duy trì đủ số lượng nái theo nhóm, cũng như nhận thức của người nuôi về ảnh hưởng quy mô nhóm đối với lợi nhuận. Việc đạt được lợi nhuận tối đa phụ thuộc vào sự ổn định sản xuất, đáp ứng mục tiêu đề ra. Một số mục tiêu chính cần hoàn thành bao gồm:
    • Số lượng nái đẻ và hậu bị.
    • Quy mô đàn hậu bị.
    • Số lượng nái được phối/nhóm.
    • Số lượng nái sinh con/nhóm.
    Giai đoạn nuôi con càng dài, công việc trong tuần lễ từ cai sữa đến lên giống càng bận rộn: cai sữa, vệ sinh sát trùng, phát hiện lên giống, phối giống và chuẩn bị nái đẻ mới.
     
    Quản lý nái hậu bị  
    Nái hậu bị đòi hỏi cần được chăm sóc theo tiêu chuẩn cao. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo có đủ lượng nái hậu bị cùng lên giống trong tuần lễ phối giống để có thể thay thế những nái loại. Để đạt được điều này cần phải: 
    • Đảm bảo ngày phối giống phải trùng vào tuần cai sữa.
    • Theo dõi, dự đoán chính xác để thực hiện việc nhập đàn, cho ăn và cho tiếp xúc với con đực. 
    • Sử dụng 1 số liệu pháp để hậu bị lên giống đồng loạt vào tuần lễ phối giống.
    Tất cả hậu bị đã lên giống cần được theo dõi kỹ kể từ khi nhập đàn. Nái hậu bị sẽ biểu hiện lên giống rõ nhất nếu được tiếp xúc với heo nọc đã bị thắt ống dẫn tinh. Việc này sẽ giúp kích thích hậu bị lên giống và dễ dàng xác định những hậu bị lên giống trong bầy. Sẽ tốt hơn nếu những nái hậu bị này được tách ra khỏi đàn và nhập lại đàn sau đó nếu chu kỳ lên giống của nó trùng với chương trình phối giống và sinh sản đồng loạt mỗi 3 tuần. Tuy nhiên, nếu như nái hậu bị có chu kỳ không trùng với chương trình, sẽ rất khó nhập lại đàn theo chu kỳ thông thường. 
     
    Không nên loại thải bất kỳ con nái nào (trừ phi chúng bị bệnh hay chấn thương) cho đến khi đạt được số lượng nái phối mục tiêu. Nếu số lượng chuồng có giới hạn, cần phối giống cho những heo nái có thể bị loại trước và loại chúng sau lần kiểm tra đậu thai đầu tiên, trong trường hợp vẫn có thể đạt đủ số lượng đề ra. Nếu có thể, lượng heo đẻ nên nhiều hơn mục tiêu một chút, cần chuẩn bị thêm 1 – 2 ô chuồng trống. Sau khi nái đẻ, heo con có thể được tách mẹ và ghép bầy, còn heo nái sẽ bị thải loại. 
     
    Để thiết lập mục tiêu cho việc phối giống, cần điều chỉnh dựa vào những thay đổi của tỷ lệ đẻ theo thời gian, tăng số lượng heo nái được phối nếu tỷ lệ sinh giảm và ngược lại. 
     
    Một điều quan trọng cần lưu ý để tối đa hóa lợi ích của việc quản lý nái đẻ đồng bộ đó chính là quy trình cách ly và thích nghi cho nái và nọc hậu bị với các mầm bệnh lưu hành trong trại trước khi đưa vào sử dụng. Một cách để đảm bảo việc nhập đàn số lượng lớn nái hậu bị đó chính là nhập chúng về khi trọng lượng khoảng 30 kg. 
     
    Liệu cách quản lý nái đẻ theo nhóm có phù hợp với bạn?
     
    Quản lý nái đẻ theo nhóm đồng bộ sẽ không phù hợp với tất cả mọi người. Điều quan trọng là phải giữ cách ly các nhóm để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh từ heo già sang trẻ hơn. Không nhất thiết phải áp dụng quản lý nái đẻ đồng loạt như quy trình cùng vào/cùng ra lúc cai sữa và xuất chuồng, nhưng nếu làm được như vậy sẽ giúp tối đa hóa những lợi thế của hệ thống quản lý sinh sản đồng bộ. 
     
    Việc đầu tư bổ sung có thể cần thiết để nâng cấp và xây thêm chuồng trại nếu cơ sở vật chất cũ không đáp ứng được nhu cầu. Trong đa số trường hợp, cần bổ sung thêm chuồng đẻ, cũng như chuồng cai sữa. Ngoài ra, tuổi cai sữa cũng có thể gia tăng. 
     
    Sinh sản đồng bộ cho phép bạn hạn chế số lần chuyển đàn, làm giảm sự chậm tăng trưởng do stress và cắn nhau. Lý tưởng nhất, heo sẽ chỉ di chuyển hai lần; một lần từ chuồng đẻ vào nhà cai sữa và một lần nữa vào khu xuất chuồng. Nếu bạn lo lắng, vào mùa lạnh heo cai sữa sẽ bị lạnh khi được chuyển sang khu xuất chuồng, hãy cân nhắc để một số chuồng trống và tăng mật độ nuôi ở các chuồng khác trong vòng hai tuần hoặc hơn. Trong trường hợp điều kiện thời tiết cho phép, heo cai sữa nên được thả với mật độ 0,65 m2/con, đây là mức được khuyến cáo cho heo trên 85 kg.
     
    Ở các đàn đang có dịch PRRS, việc quản lý nái đẻ theo nhóm có thể bị ảnh hưởng. Heo bị nhiễm vi rút ở giai đoạn muộn hơn và heo trong giai đoạn xuất chuồng có thể gặp vấn đề về viêm phổi, việc sinh sản đồng loạt có thể bị trì hoãn. Quản lý lúc này cần tập trung vào việc xác định lại quy mô nhóm phù hợp để đảm bảo số lượng heo xuất chuồng ổn định và tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, việc quản lý nái đẻ theo nhóm đồng bộ đòi hỏi phải luôn tuân thủ những yêu cầu cao với những nhân viên tốt nhất và các thành viên phải có kế hoạch, dự toán tốt để đảm bảo thành công của mô hình quản lý này.  
     
    Lợi ích của quản lý sinh sản đồng bộ
     
    1. Lợi ích chính: Cải thiện sức khỏe, heo lớn nhanh, giảm tỷ lệ chết, giảm chi phí thức ăn và thuốc điều trị.
    2. Quản lý heo giống, heo cai sữa và heo xuất chuồng hiệu quả hơn về thời gian làm việc (thăm khám thai, chăm sóc heo con), nguyên vật liệu (thuốc bổ sung sắt, vắc-xin, thời gian ngưng thuốc) và thức ăn. 
    3. Môi trường trong trại có thể điều chỉnh cho phù hợp theo lứa tuổi. 
    4. Với heo được quản lý theo từng lứa tuổi, dễ dàng điều chỉnh khẩu phần cho heo trong giai đoạn vỗ béo, xuất chuồng với công thức thức ăn chuyên biệt. 
    5. Đối với đàn lớn có thể phân chia thành 2 nhóm heo đực và heo nái, cho ăn khẩu phần riêng, phù hợp theo giới tính. 
    6. Dễ dàng sắp xếp lịch và dự kiến công tác tổ chức chuyển đàn và quản lý. Sử dụng nhân công hợp lý cho những tuần "bận rộn" (giao phối, sanh con, cai sữa) và những tuần ít công việc hơn giúp tiết kiệm chi phí và thới gian. Những công việc/nhiệm vụ trong tuần cũng được lập kế hoạch dễ dàng.
    7. Quản lý đồng bộ giúp bạn có thể theo dõi mức tiêu thụ thức ăn và nước liên tục, giúp bạn có thể can thiệp kịp thời nếu như có sự thay đổi bất thường trong mức độ tiêu thụ, giúp phát hiện các vấn đề về sức khỏe. 
    8. Dễ đạt mục tiêu giao phối, vì các kết quả phối không thành công sẽ xuất hiện các chuồng trống.
    9. Thụ tinh nhân tạo (AI) rất phù hợp trong một hệ thống quản lý sinh sản đồng bộ. AI sẽ cải thiện di truyền và giúp bảo vệ sức khỏe đàn. Việc này thường nhanh hơn so với giao phối tự nhiên và tiết kiệm hơn vì có thể cắt giảm số lượng heo đực.
    10. Có thể xuất chuồng số lượng lớn và đồng nhất.
    11. Dễ dàng hơn cho việc ghép bầy heo con, với nhiều lựa chọn nái nuôi con hơn, nhất là khi heo con cần bú sữa đầu. 
    12. Công việc thay đổi theo tuần với nhiều hoạt động phong phú, giúp công nhân cảm thấy thú vị hơn, thúc đẩy nhiệt huyết trong công việc. Việc quản lý nái sinh sản đồng bộ cũng thúc đẩy phát triển kỹ năng, sự tập trung ở những thời điểm căng thẳng như khi gieo tinh hay đỡ đẻ.
    13. Tình trạng chuồng trống định kỳ giúp việc vệ sinh và bảo dưỡng và sửa chữa chuồng được tốt hơn. 
    14. Có thể sử dụng khoảng thời gian trống giữa những lứa đẻ để bảo trì hoặc nâng cấp chuồng trại.
     
    Điểm bất lợi
     
    1. Heo nái hậu bị hoặc nái đẻ nhiều lứa có thể không lên giống đúng khoảng thời gian yêu cầu, điều này có nghĩa là chúng ta cần phối thêm số lượng nái để tránh việc trống chuồng. 
    2. Có thể dẫn đến quá tải chuồng nái bầu.
    3. Nếu không áp dụng thụ tinh nhân tạo, nhu cầu về heo đực giống sẽ thay đổi.
    4. Không thể dự đoán được heo nái trong nhóm đẻ trước hay sau, dẫn đến gia tăng sự khác biệt về tuổi và cân nặng của heo cai sữa trong nhóm.
    5. Phối giống cho nái vào giữa tuần có thể dẫn tới ngày nái đẻ rơi vào cuối tuần.
    6. Khi vừa thay đổi từ hệ thống nái sinh sản liên tục, năng suất có thể giảm 1 chút, mặc dù sau đó sẽ phục hồi lại nhanh chóng nhờ cải thiện tăng trưởng của heo và tiết kiệm chi phí thuốc. 
     
    0